Viêm phổi liên quan đến thở máy (Ventilator Associated Pneumonia – VAP) là một biến chứng nguy hiểm thường gặp ở bệnh nhân thở máy sau thời gian dài nằm viện và gây tăng nguy cơ tử vong.
Vi sinh vật nội sinh trong khoang miệng và đường hô hấp trên của bệnh nhân đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của VAP. Sự cư trú bất thường và sự di chuyển của các vi sinh vật gây bệnh tiềm ẩn trong khoang miệng và đường hô hấp trên là nguyên nhân chính của bệnh. Nhiều phương pháp khác nhau đã được đề xuất để tiếp cận phòng ngừa VAP. Một số nghiên cứu trước đây cho rằng probiotics có thể làm giảm tỷ lệ mắc VAP, tỷ lệ tử vong, thời gian nằm viện và chi phí. Để đánh giá hiệu quả của chủng probiotic Lactobacillus casei Shirota trong việc giảm tỷ lệ mắc VAP, nghiên cứu đã được tiến hành trên những bệnh nhân thở bằng máy tại Bệnh viện Siriraj (Bangkok, Thái Lan).
Thử nghiệm được tiến hành ngẫu nhiên và có kiểm soát trên 150 bệnh nhân là người trưởng thành được dự kiến sẽ phải thở bằng máy trong 72 giờ hoặc lâu hơn. Đa số các bệnh nhân là phụ nữ lớn tuổi, đang mắc bệnh và gặp phải những vấn đề về sức khỏe dẫn đến phải thở bằng máy. Các bệnh nhân được phân chia ngẫu nhiên vào 2 nhóm: nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng. Tất cả bệnh nhân được chăm sóc răng miệng bằng dịch 2% chlorhexidine 4 lần/ ngày theo tiêu chuẩn phòng ngừa VAP. Các bệnh nhân trong nhóm thử nghiệm được nhận 80 ml sữa uống lên men Yakult chứa khuẩn Lactobacillus casei Shirota cho chăm sóc răng miệng và nhận thêm 80 ml thức uống trên qua nuôi ăn đường ruột 1 lần/ ngày trong suốt 28 ngày hoặc tới khi ống khí quản được tháo ra. Việc dùng probiotic sẽ dừng lại nếu tình trạng tiêu chảy liên quan đến probiotic xuất hiện. Trong khi đó, nhóm đối chứng không tiêu thụ bất kì sản phẩm bổ sung nào.
Kết quả khảo sát chủ yếu dựa trên tỷ lệ mắc VAP và tần suất mắc VAP/ 1.000 máy thở - ngày. Ngoài ra, còn dựa trên thời gian nằm viện, tỉ lệ tử vong ở ngày thứ 28 và 90, tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy và sự hiện diện vi khuẩn kháng thuốc trong các mẫu xét nghiệm lấy từ miệng hầu và trực tràng của các bệnh nhân vào ngày 0, 7 và 28. Các khuẩn kháng thuốc được kiểm tra gồm Klebsiella pneumoniae sinh ESBL, Escherichia coli sinh ESBL, Acinetobacter baumannii, Pseudomonas aeruginosa và MRSA. Các bệnh nhân được tiếp tục theo dõi cho đến ngày thứ 90. Chẩn đoán VAP được thực hiện nếu bệnh nhân có ít nhất 3 trong số 4 biểu hiện sau: 1. thân nhiệt cao hơn 90ºC hoặc thấp hơn 35,5ºC, 2. bạch cầu tăng (> 10.000 bạch cầu/mm3) hoặc bạch cầu giảm (< 3.000 bạch cầu/mm3), 3. dịch hút khí quản có mủ và 4. nuôi cấy bán định lượng của mẫu dịch hút khí quản dương tính với những vi khuẩn kháng thuốc.
Kết quả cho thấy các đặc điểm cơ bản lúc bắt đầu thử nghiệm giữa các bệnh nhân giữa nhóm thử nghiệm (75 người) và nhóm đối chứng (75 người) không có sự khác biệt đáng kể. Các bệnh nhân trong nhóm thử nghiệm ít có khả năng phát triển bệnh VAP so với nhóm đối chứng (tương ứng 24% so với 29,3%, p = 0,46). Tần suất mắc VAP/ 1.000 máy thở - ngày ở nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng lần lượt là 22,64 và 30,22/ 1.000 máy thở - ngày (p = 0,37). A. baumannii là nguyên nhân phổ biến nhất gây chứng VAP ở cả hai nhóm. Không có sự khác biệt đáng kể về thời gian nằm viện, tỷ lệ tử vong ở ngày thứ 28 và ngày thứ 90 giữa 2 nhóm. Tỉ lệ mắc tiêu chảy là 22%, p = 0,32 và chỉ có 1 trường hợp được cho là có liên quan đến probiotic. Không có tình trạng tăng đường huyết, nhiễm trùng huyết bởi Lactobacillus và những than phiền có liên quan đến probiotics được ghi nhận trong suốt thời gian nghiên cứu.
Khuynh hướng cho thấy việc giảm sự phát triển của những khuẩn kháng thuốc từ mẫu thử ở miệng hầu của bệnh nhân thuộc nhóm thử nghiệm so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, sự cư trú của khuẩn kháng thuốc ở miệng hầu và trực tràng trong cùng một nhóm và giữa các nhóm không có sự khác biệt đáng kể. Điều này có thể là do số lượng bệnh nhân tham gia thử nghiệm không nhiều, lượng probiotic dùng thử nghiệm nuôi ăn đường ruột là ít, không thường xuyên và hoạt động của khuẩn probiotic có thể bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng chlorhexidine trong chăm sóc răng miệng.
Như vậy, sữa uống lên men chứa chủng probiotic Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) có khả năng làm giảm tỷ lệ mắc VAP, giảm sự cư trú của vi khuẩn kháng thuốc trong miệng hầu, mà không làm ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ tử vong và thời gian nằm viện.
(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota
Kim Oanh – Theo Randomized Controlled Study of Probiotics ContainingLactobacillus casei (Shirota strain) for Prevention of Ventilator-Associated Pneumonia, Yong Rongrungruang MD et al 2015, J Med Assoc Thai 2015; 98 (3): 253-9.