Yakult Viet Nam Yakult Viet NamCông ty Yakult

Triệu chứng phổ biến

Chia sẻ

Viêm loét đại tràng

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và lời khuyên cho người bị viêm loét đại tràng

22/09/2016
Chia sẻ

Viêm loét đại tràng là gì?

Viêm loét đại tràng là bệnh lý tác động đến đại tràng và trực tràng, làm tổn thương lớp biểu mô đại trực tràng gây nên tình trạng viêm, đỏ, sưng và loét.

Triệu chứng?

Đau bụng, tiêu chảy, đi cầu ra máu và tình trạng co thắt ruột. Bên cạnh đó, tình trạng tiêu chảy và xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến mất nước, rối loạn cân bằng điện giải và thiếu hụt các chất dinh dưỡng thiết yếu, từ đó dẫn đến hàng loạt các vấn đề như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, suy nhược, thiếu máu, sưng đau khớp và các vấn đề về gan.


Ai dễ mắc bệnh?

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng viêm loét đại tràng là một bệnh lý gây ra do cơ chế miễn dịch. Tuy nhiên, tình trạng stress và một số loại thực phẩm nhất định có thể đóng vai trò thúc đẩy làm nặng hơn triệu chứng và tiến triển của bệnh lý này.

Lời khuyên?

Nếu biết xây dựng một lối sống lành mạnh và thói quen ăn uống hợp lý, đầy đủ các dưỡng chất, bệnh nhân không những có thể giảm nhẹ triệu chứng mà còn ngăn ngừa được tiến triển nặng thêm của bệnh.

Dinh dưỡng cho người bệnh viêm loét đại tràng nên dựa trên một chế độ ăn cân bằng với hàm lượng cao protein, carbohydrate phức và các chất béo cần thiết, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và tăng cường sức khỏe. Khẩu phần đó có thể bao gồm thịt, cá, thịt gia cầm, các sản phẩm từ sữa (nếu người bệnh không mắc phải tình trạng bất dung nạp lactose), bánh mì và ngũ cốc, trái cây và rau quả, bơ thực vật và các loại dầu… Ngoài ra ần chú ý tăng cường lượng nước uống hàng ngày.



+ Các loại thực phẩm cần tránh 

Rượu, cà phê, đồ uống có ga

Đậu khô, trái cây khô, ngũ cốc nguyên cám

Các loại rau họ cải (bông cải xanh, cải bắp, súp lơ…)

Các loại thực phẩm cay, nóng, nhiều gia vị…

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu nhận thấy khi giảm lượng chất xơ trong khẩu phần hàng ngày xuống dưới 10-15 (gam/ngày) giúp giảm số lần đi tiêu và kéo dài thời gian vận chuyển đường ruột, giúp ruột nghỉ ngơi.

+ Các loại thực phẩm cần tăng cường bổ sung

Vì tình trạng sụt cân và thiếu hụt các chất dinh dưỡng do tình trạng tiêu chảy và kém hấp thu, do đó cần đặc biệt đảm bảo hàm lượng chất đạm cao trong khẩu phần từ các loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa…

Bên cạnh đó, cần chú ý tăng cường thêm các vitamin và muối khoáng từ thức ăn hoặc các loại thuốc uống bổ sung nếu cần thiết. Chẳng hạn, nếu người bệnh không thể uống sữa do tình trạng bất dung nạp lactose, cần chú ý bổ sung thêm canxi từ các loại thực phẩm như tôm, cua, cá… hoặc từ viên uống canxi hàng ngày.

Đặc biệt, vì tình trạng xuất huyết tiêu hóa, người bệnh thường biểu hiện thiếu máu do đó cần chú ý bổ sung thêm sắt, vitamin B12 và acid folic từ thực phẩm hoặc dược phẩm.

Uống nhiều nước cũng cần thiết để tăng cường khả năng hấp thu các chất và giảm táo bón, phòng ngừa tình trạng mất nước do tiêu chảy.


Ngoài ra, thành phần EPA (eicosapentaenoic acid) – một loại acid béo omega-3 có trong dầu cá và dầu hạt lanh giúp giảm tình trạng viêm ruột và cải thiện triệu chứng, do đó người bệnh có thể bổ sung dưới dạng viên uống dầu cá mỗi ngày.

Mặt khác, thành phần sữa chua probiotic cũng được chứng minh là có lợi cho bệnh lý viêm loét đại tràng.

Như vậy, mặc dù chế độ ăn không phải là một hình thức trị liệu nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa tiến triển nặng thêm của bệnh lý viêm loét đại tràng, đặc biệt giúp giảm nhẹ các biểu hiện tiêu hóa gây phiền toái và khổ sở cho người bệnh. Cần chú ý phối hợp một chế độ sống lành mạnh, quá trình trị liệu hoa học và khẩu phần ăn hợp lý để tăng cường và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người mắc bệnh viêm loét đại tràng.

Khuẩn L. casei Shirota điều hòa miễn dịch ở người bị viêm loét đại tràng

Bệnh viêm loét đại tràng (Ulcerative colitis, UC) hay bệnh Crohn là những bệnh gặp phải bởi sự rối loạn điều hòa của hệ thống miễn dịch với hệ vi sinh vật đường ruột hay do sức đề kháng tự nhiên kém. Người mắc bệnh dễ bị rối loạn chức năng tế bào tua (Dendritic Cell, DC), làm tế bào lympho T (một tế bào miễn dịch quan trọng) phản ứng không phù hợp, sản sinh ra các yếu tố gây sưng - viêm trong ruột.

Tế bào tua DC là tế bào giúp duy trì sự cân bằng tinh tế giữa sự miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh xâm nhập và điều hòa hệ vi sinh vật đường ruột. Loại tế bào đặc biệt này có khả năng phát hiện và phản ứng với các vi khuẩn, sản sinh ra tế bào lympho T gốc. Chúng cũng quyết định việc tế bào lympho T sản sinh các yếu tố miễn dịch phù hợp hay không phù hợp.

Một nghiên cứu mới  trong năm 2013, được thực hiện tại Yakult Châu âu (Almere, Hà Lan) bởi Elizabeth R. Mann và cộng sự cho thấy khuẩn Lacticaseibacillus paracasei Shirota (*) (LcS) có hiệu quả điều hòa miễn dịch nhờ tế bào tua DC ở người khỏe mạnh và các bệnh nhân bị viêm loét đại tràng.

Nghiên cứu được chia làm 2 nhóm: nhóm đối chứng (người khỏe mạnh, gồm 8 người) và nhóm nghiên cứu (người bị viêm loét đại tràng, gồm 6 người). Tế bào tua DC được lấy từ máu của 2 nhóm trên, nuôi cấy với kháng nguyên khuẩn LcS (nhằm kích thích tế bào T trong 1 phản ứng sinh hóa kéo dài 5 ngày).

Kết quả ghi nhận: ở nhóm nghiên cứu cho thấy sự giảm sút các kích ứng không phù hợp của tế bào lympho T như tăng sự biểu hiện của các markers về da như CLA và CCR4, âm tính với các markers ở ruột như β7. Ngược lại, nhóm thử nghiệm thì có biểu hiện markers CLA trên tế bào T, có kết hợp với markers ruột β7, nhưng không hiệu quả đối với các bệnh nhân bị viêm loét đại tràng. Điều này chứng tỏ, khuẩn LcS giúp tế bào tua DC sản sinh ra thụ thể TGFβ bởi tế bào lympho T (một yếu tố bất lợi, trong điều kiện in vitro) ở nhóm đối chứng nhưng không xuất hiện ở nhóm thử nghiệm.

Nhóm nghiên cứu kết luận thêm, chứng rối loạn chức năng tế bào tua DC bởi bệnh viêm loét đại tràng có thể giải thích cho xu hướng biểu hiện ở da của các bệnh nhân mắc bệnh. Khuẩn LcS hoạt động mạnh sẽ cân bằng điều hòa miễn dịch tùy thuộc vào tình trạng viêm, hiệu quả này đã được minh chứng khi cải thiện tình trạng viêm loét đại tràng bằng cách thúc đẩy quá trình cân bằng nội mô.

(*): Tên gọi trước đây Lactobacillus casei Shirota

Chia sẻ

Bài viết liên quan

" />

Một số bệnh tiêu hóa thường gặp

Tại Việt Nam, các bệnh về đường tiêu hóa đứng đầu nhóm các bệnh nội khoa.

Hội chứng ruột kích thích (IBS)

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và lời khuyên cho người bị hội chứng ruột kích thích (IBS)

Không dung nạp lactose

Tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và lời khuyên cho người không dung nạp lactose